Chương trình Cải cách quân đội Nga năm 2008

Tổng thống Putin ra lệnh tiến hành một chương trình hiện đại hóa và tái cấu trúc quân đội đầy tham vọng. Với chi phí ước tính lên tới 700 tỷ USD tới năm 2020, chương trình này nhằm biến quân đội Nga từ một lực lượng cồng kềnh chuyên đối phó với chiến tranh tổng lực giữa các cường quốc thành đội quân tinh gọn hơn, phù hợp hơn với các cuộc xung đột khu vực và cục bộ. Dưới sự chỉ đạo của Putin, quân đội Nga đoạn tuyệt với mô hình được xây dựng từ năm 1870 để áp dụng cấu trúc lực lượng linh hoạt hơn, cho phép triển khai binh sĩ một cách nhanh chóng mà không cần tiến hành hoạt động huy động binh lực quy mô lớn. Hệ thống kiểm soát và chỉ huy cũng được thay đổi nhằm nâng cao khả năng hiệp đồng và sẵn sàng chiến đấu cho binh sĩ.[7] Việc đánh giá lại khả năng tham gia một cuộc chiến tranh trên quy mô lớn đã dẫn đến hủy bỏ hệ thống động viên như là một sự lỗi thời bởi nó đã tồn tại từ thời Xô Viết. Vấn đề chính là làm thế nào để duy trì cơ cấu động viên của quân đội từ thời Xô Viết đồng thời tìm cách để sử dụng quân đội một cách hiệu quả, ít nhất là trong các cuộc chiến có giới hạn, mà không cần phải động viên.[16] Các lực lượng vũ trang Nga sẽ thay đổi chiến thuật của họ từ lao vào một cuộc chiến lớn với một số đối thủ sang tham gia các cuộc xung đột cục bộ tiềm tàng ở các biên giới của Nga hoặc ở các nước SNG (Cộng đồng các quốc gia độc lập) và các nước lân cận khác. Nhiệm vụ bảo vệ trước các nước lớn (chủ yếu là MỹNATO) được giao phó gần như hoàn toàn cho các lực lượng hạt nhân chiến lược.[3][14][16] Tổng Tham mưu trưởng Tướng Nikolai Makarov còn ra lệnh thành lập Bộ Tư lệnh các Lực lượng Tác chiến Đặc biệt (KSSO) và Bộ Tư lệnh Không gian mạng.[4]

Giảm quy mô

Một phần thiết yếu của cải cách quân sự là cắt giảm quy mô, vào thời điểm bắt đầu cải cách, lực lượng vũ trang Nga có khoảng 1,13 triệu quân nhân tại ngũ. Kế hoạch cắt giảm quân nhân xuống còn 1 triệu quân nhân sẽ được thực hiện từ năm 2016 đến năm 2022.[17] Đây là cuộc cải cách lớn nhất trong vòng 200 năm qua bởi lẽ Nga sẽ từ bỏ kiểu quân đội cồng kềnh luôn sẵn sàng cho cuộc chiến quy mô lớn. Bộ Tham mưu cho rằng nước Nga chỉ cần khoảng 100.000 lính nghĩa vụ và 1 triệu lính chính quy.[2] Định hướng trong giai đoạn 2008-2012, quân đội Nga đã được biến đổi thành các lực lượng sẵn sàng thường trực được cấu thành từ các lữ đoàn dựa trên các đơn vị sẵn sàng thường trực. Các cải cách này đã cắt giảm gần một nửa số trung đoàn và lữ đoàn trong quân đội, với các cắt giảm lớn nhất xảy ra ở phần châu Âu của Nga.[3] Ngày 4 tháng 4 năm 2011, Đại tá Vasily Smirnov, Phó Tổng Tham mưu trưởng cho biết quy mô quân đội Nga sẽ giảm xuống còn 1 triệu người vào năm 2016, với số lượng các nhóm như sau: 220.000 sĩ quan, 425,000 quân nhân hợp đồng và 300.000 quân nhân nghĩa vụ[18] Số quân nhân nằm trong diện cắt giảm lần này để chuyển sang làm các công việc dân sự chủ yếu tập trung vào nhóm sĩ quan phục vụ hậu cần và sĩ quan không liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ chiến đấu.[1] Chuyên gia quân sự Nga Vitaly Shlykov đã đề cập đến cuộc cải cách quốc phòng sâu rộng của Nga sẽ được bắt đầu từ tháng 12 năm 2009, theo đó sẽ giảm số xe tăng từ 20.000 chiếc xuống còn 2.000 chiếc và giảm số lính dự bị động viên xuống còn 100.000 người.[2]

Tổng tham mưu trưởng Nikolay Makarov cho biết, trong khuôn khổ một kế hoạch hiện đại hóa, quân số của quân đội Nga sẽ giảm từ 1,13 triệu xuống thành 1 triệu người.[19] Theo Sắc lệnh của Tổng thống Liên bang Nga, vào mùa thu năm 2021, tổng cộng 127.500 công dân được gọi nhập ngũ, tức là mỗi năm có thêm khoảng 250.000 chiến sĩ mới. Nếu dựa vào tổng số quân trong Lực lượng vũ trang Nga là khoảng 900.000 người, thì tỷ lệ được gọi nhập ngũ chiếm khoảng 28%. Điều này đã cho phép hình thành những đơn vị quân đội và các binh đoàn thường trực có khả năng giải quyết nhiệm vụ chiến đấu mà không cần triển khai huy động quân. Trong khi đó, quân đội Nga vẫn duy trì được tiềm lực huy động đáng kể của mình. Sự khác biệt cơ bản giữa các đơn vị thường trực với phần còn lại của quân đội Nga là tại đây chỉ những quân nhân phục vụ theo chế độ hợp đồng. Điều này giúp loại bỏ nhu cầu huấn luyện liên tục các tân binh cứ mỗi năm hai lần.[6] Bộ Quốc phòng cũng đã yêu cầu cấp 4,2 tỷ USD trong giai đoạn 2009-2011 để tăng thêm quỹ lương hàng tháng cho 30.000 sĩ quan đang phục vụ trong lực lượng tên lửa chiến lược, hải quân, hàng không chiến lược và Lực lượng không gian, quỹ lương hàng tháng dành cho binh sĩ Nga cũng như các khoản chi phí phục vụ nâng cấp và sản xuất khí tài sẽ tăng lên đáng kể, công tác đào tạo, huấn luyện cũng sẽ tập trung hơn.[1]

Chế độ nghĩa vụ

Một trong những giải pháp là các đơn vị sẵn sàng thường trực tương đối hoàn thiện được cho là tồn tại cùng với các tổ đội nòng cốt. Khi tình hình kinh tế cải thiện và chi phí quốc phòng gia tăng, vào năm 2008, Nga đã xây dựng một số lượng nhất định các đơn vị và tổ đội sẵn sàng thường trực đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến Gruzia, tình trạng các đơn vị sẵn sàng thường trực hoạt động trong khi quân đội nghỉ ngơi, mà phần lớn có thể huy động về bản chất, về cơ bản đồng nghĩa với sự tồn tại của hai quân đội cùng một lúc khi quốc gia này đang dần cạn kiệt tài nguyên. Do đó, việc loại bỏ quân đội huy động truyền thống và thay thế nó bằng các lực lượng sẵn sàng thường trực chỉ là vấn đề thời gian, nó đã đặt nền tảng cho cuộc cải cách quân đội năm 2008 được cho là đã đem lại một diện mạo mới cho các lực lượng vũ trang Nga.[14][16] Sự đổi hướng mang tính quyết định từ quân đội được động viên theo truyền thống đã cho phép Nga tạo ra các lực lượng thường trực và có khả năng sẵn sàng cao thích nghi tốt để hoạt động ở khu vực hậu Xô Viết. Cơ cấu và tư thế này đã được bộ chỉ huy quân sự mới mà người đứng đầu là ông Sergei Shoigu duy trì. Phong cách của ông này là những đợt kiểm tra đột xuất trên quy mô lớn đòi hỏi các quân khu mới phải đề phòng và sẵn sàng hành động ngay lập tức, các cuộc kiểm tra này đem lại cho Bộ Quốc phòng một cơ chế hiệu quả để đặt một số lượng lớn binh sỹ trong tình trạng báo động và tiến hành động viên một phần.[4]

Kể từ ngày 1 tháng 4 năm 2008, thời hạn phục vụ trong quân đội đối với thanh niên Nga chỉ còn kéo dài trong một năm, thay vì 18 tháng như năm 2007 hoặc 2 năm được thực hiện từ năm 1967.[10] Người đứng đầu cơ quan tuyển trạch của quân đội Nga, ông Vasily Smirnov cho biết đây là một trong những biện pháp nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động của quân đội. Các quan chức quân sự Nga hy vọng quy định mới này sẽ khuyến khích thanh niên tự nguyện đăng ký thực hiện nghĩa vụ quân sự, nhất là đối với những người có trình độ học vấn cao. Cắt giảm thời gian phục vụ quân đội nằm trong chương trình cải cách của Tổng thống Vladimir Putin, người quyết tâm xây dựng một quân đội chuyên nghiệp, có khả năng chiến đấu cao, thay vì chủ yếu tiếp nhận những thanh niên bị buộc phải nhập ngũ.[10] Nga sẽ bắt đầu đào tạo cho lính chính quy ở các trường đặc biệt trong khoảng thời gian từ 2,5-3 năm và vẫn được hưởng lương. Khi tốt nghiệp ra trường, những người này có thể được hưởng mức lương khoảng 1.000 USD/tháng được cho là đủ động lực để họ hăm hở phục vụ trong quân ngũ.[2]

Cùng với việc dân số giảm, công tác kêu gọi tòng quân ở Nga gặp nhiều khó khăn, tình trạng các tân binh bị các sĩ quan lạm dụng quyền lực ức hiếp dẫn đến số vụ tai nạntự tử trong quân đội tăng cao, khiến giới trẻ Nga không hăng hái nhập ngũ hoặc tìm cách xin miễn thi hành nghĩa vụ quân sự. Điều kiện sống trong quân ngũ không tốt nên tỷ lệ người đăng ký phục vụ lâu dài cũng ngày một ít, dẫn đến việc thiếu hụt nghiêm trọng số sĩ quan chuyên nghiệp. Một báo cáo năm 2006 cho biết chỉ có 15-19% binh sĩ Nga tình nguyện ký hợp đồng kéo dài thời gian tại ngũ.[10] Không hiếm quân nhân nghĩa vụ Nga bị bắt nạt và hành hạ tàn tệ ngay bên trong doanh trại quân đội gọi là nạn "Dedovshchina" chỉ tệ bắt nạt bằng những trò trái khoáy, đã là một phần trong cuộc đời của các tân binh nghĩa vụ trong quân đội Nga.[20] Cũng trong nỗ lực cải cách quân đội theo hướng tinh gọn và hiệu quả, Bộ Quốc phòng Nga có kế hoạch cắt giảm 40% nhân viên tại văn phòng Bộ và Bộ Tổng tham mưu, đồng thời tăng cường đấu tranh chống tham nhũng. Nạn ăn hối lộ là một kẽ hở để nhiều binh sĩ Nga đào ngũ mà không bị cấp chỉ huy báo cáo.[10] Nhưng bù lại thu nhập của sĩ quan, binh sĩ Nga được cải thiện đáng kể nhờ ngân sách quốc phòng liên tục tăng. Khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra vào năm 2014, quân đội Nga đã trở thành một lực lượng lớn mạnh hơn rất nhiều so với đội quân trang bị lạc hậu từng tham chiến ở Gruzia.[7]

Cơ cấu lực lượng

Như là kết quả của việc tái định hướng từ chiến đấu trên quy mô lớn sang các cuộc xung đột cục bộ, vào năm 2008-2012, quân đội Nga đã được biến đổi thành các lực lượng sẵn sàng thường trực, lực lượng này được cấu thành từ các lữ đoàn dựa trên đơn vị và tổ đội sẵn sàng thường trực hiện có đã được củng cố sức mạnh bằng binh sỹ từ các đơn vị và tổ đội bị cắt giảm và nòng cốt. Các cải cách này đã cắt giảm gần một nửa số trung đoàn và lữ đoàn trong quân đội, với các cắt giảm lớn nhất xảy ra ở phần châu Âu của nước này. Ở Quân khu Moskva "cũ", 50 tiểu đoàn xe tăng và bộ binh cơ giới được triển khai đã giảm xuống còn 22 vào năm 2010. Các đơn vị lục quân ở biên giới với Ukraine đã được rút gần như hoàn toàn khỏi danh sách quân đội thường trực với việc giải tán Sư đoàn xe tăng số 10 (sư đoàn chỉ có duy nhất trung đoàn bộ binh cơ giới số 6) ở khu vực Voronezh và Kursk mà ở đó chỉ còn lại một kho dự trữ để triển khai Lữ đoàn xe tăng số 1. Những sự cắt giảm này được cho là để bù đắp cho việc thành lập một lữ đoàn tác chiến trên không mới ở Smolensk được trang bị máy bay trực thăng.[4]

Người ta có thể nói về sự suy yếu chưa từng thấy sức mạnh của lục quân Nga ở các khu vực trung tâm và ở biên giới phía Tây của Nga, sau đó đã được điều chỉnh lại phần nào vào năm 2013 khi Sư đoàn bộ binh cơ giới Taman số 2 và Sư đoàn xe tăng Kantemir số 4 (trước đây là các lữ đoàn) được tái triển khai bên ngoài thủ đô Moskva, nhưng cả hai sư đoàn này đã và vẫn chỉ còn một nửa sức mạnh. Cuộc cải cách quân đội giai đoạn 2008-2012 đã làm giảm sút năng lực chiến đấu của Nga ở các khu vực phía Tây của Nga, đồng thời, sự thay đổi của Moskva hướng tới hoạt động trong các cuộc xung đột có giới hạn thu hút nhiều sự chú ý hơn vào lực lượng cơ giới và tác chiến đặc biệt. Lực lượng không vận đã không chỉ tránh được sự cắt giảm nhân lực mà họ còn giữ được cả các sư đoàn và tăng cường sức mạnh của mình. Các lực lượng tác chiến đặc biệt, đặc chủng (mô hình đặc nhiệm Spetsnaz) cũng đã bắt đầu xây dựng và tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu và theo hướng tinh nhuệ, hiện đại, đặc chủng.[4] Nhìn chung, kết quả cải cách cho đến nay, quân đội Nga đã hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa với những đơn vị và tổ chức đơn vị, lực lượng có nét mới, có thể kể đến như:

Một số lực lượng được Nga đầu tư, trang bị, sử dụng như:

Cơ cấu quân khu

Công việc lớn nhất, phức tạp nhất là việc hợp nhất, chuyển đổi 6 quân khu thành 4 bộ tư lệnh chiến lược. Trong điều chỉnh hành chính quân sự lần này, quân đội Nga trên thực tế đã thay đổi hai nguyên tắc tồn tại gần một thế kỉ rưỡi qua, là "phân chia lãnh thổ phòng thủ" và "chuyên môn hóa lục quân" và thể chế quân khu đã thực sự chấm dứt ở Nga. Sự thay đổi lớn nhất trong thể chế mới là nguyên tắc khu vực được thay bằng hướng chủ đạo, lấy một Bộ Tư lệnh chiến lược liên hợp độc lập đảm nhận một hướng tác chiến. An ninh quân sự Nga chủ yếu đối mặt với mối đe dọa đến từ 3 hướng tây, nam và đông, trong đó tây là hướng chiến lược chủ yếu nhất.[21]

  • Quân khu Moscow và Quân khu Leningrad hợp nhất, chuyển đổi thành Bộ tư lệnh chiến lược Miền Tây, sở chỉ huy đóng tại Saint Petersburg. Ngoài các lực lượng lục quân, không quân và đổ bộ đường không vốn có ở hai quân khu cũ, các hạm đội Phương Bắc và Baltic cũng sẽ thuộc quyền chỉ huy của Bộ tư lệnh này. Cùng với việc NATO mở rộng về phía đông, tuyến phòng thủ ở hướng này của Nga đã từ Trung Âu như thời kì Liên Xô trước đây lùi về đến biển Baltic. Ngay cả khi Ukraina không gia nhập NATO, thì để đối phó tổ chức quân sự này, Nga vẫn cần xóa bỏ nguyên tắc khu vực truyền thống, đưa quân khu Moscow và Leningrad cùng hai hạm đội Phương Bắc, Baltic đặt dưới sự chỉ đạo điều hành của Bô Tư lệnh Miền Tây. Tại Quân khu Moskva trước đây, 50 tiểu đoàn xe tăng và bộ binh cơ giới được triển khai đã giảm xuống còn 22 vào năm 2010. Các đơn vị lục quân ở biên giới với Ukraine đã được rút gần như hoàn toàn khỏi danh sách quân đội thường trực với việc giải tán Sư đoàn xe tăng số 10.[3]
  • Quân khu Bắc Kavkaz hợp nhất với hạm đội Biển Đen và tiểu hạm đội Caspian, thành lập Bộ tư lệnh chiến lược Miền Nam, sở chỉ huy đặt tại Rostov. Phía nam (Kavkaz) đang phải đối mặt với mối đe dọa thấp nhưng lại trực tiếp và cấp bách, chỉ là các thế lực ly khai, khủng bố. Ngoài ra, Gruzia đang hăng hái với tiến trình gia nhập NATO và hoàn toàn có thể chạm tới giới hạn an ninh cuối cùng của Nga nên Bộ Quốc phòng Nga vẫn trao cho Bộ tư lệnh Miền Nam vị trí ngang hàng.
  • Quân khu Volga – Ural cùng một phần Quân khu Siberia cũ hợp nhất thành Bộ tư lệnh chiến lược Miền Trung, sở chỉ huy đặt tại Yekaterinburg. Bộ tư lệnh Miền Trung có nhiệm vụ ứng phó với mối đe doạ khủng bố và tình huống biến động ở Trung Á. Áp lực ở hướng này tương đối thấp, vì vậy Bộ tư lệnh chiến lược Miền Trung còn đóng vai trò lực lượng dự bị. Khi các hướng chiến lược khác có tình huống nguy cấp, Bộ tư lệnh chiến lược Miền Trung phải sẵn sàng chi viện kịp thời.
  • Quân khu Viễn Đông với phần còn lại của Quân khu Siberia, cùng hạm đội Thái Bình Dương hợp nhất thành Bộ tư lệnh chiến lược Miền Đông, sở chỉ huy đóng tại Khabarovsk. Hướng đông được Nga xem là uy hiếp tiềm ẩn, sức ép tương đối thấp. Cùng với sự nâng cấp toàn diện mối quan hệ Trung-Nga, áp lực vốn nhằm vào Quân khu Viễn Đông và Quân khu Siberia trước đây cũng giảm đi. Tuy nhiên, Bộ Tư lệnh chiến lược Miền Đông vẫn phải sẵn sàng đối mặt với mối đe dọa thực sự của 3 nước đồng minh Mỹ-Nhật-Hàn từ hướng bán đảo Triều Tiên, những bất đồng giữa Nga và Nhật, các mối đe dọa phi truyền thống.

Thể chế chỉ huy

Quân đội Nga nhiều năm qua thực hiện một thể chế chỉ huy, vào thời bình thì Bộ tư lệnh các quân, binh chủng trực tiếp quản lý lực lượng tác chiến dưới quyền, thời chiến trao cho các quân khu quyền thực hành tác chiến hiệp đồng quân binh chủng. Trong cuộc xung đột với Gruzia năm 2008, thể chế này đã bộc lộ nhiều yếu kém và đã thúc đẩy Nga tiến hành điều chỉnh. Từng Bộ tư lệnh chiến lược chịu trách nhiệm lập kế hoạch huấn luyện và sử dụng toàn bộ các lực lượng quân sự trong phạm vi địa lí hành chính, cùng lực lượng của các bộ, ngành như Bộ Tình trạng khẩn cấp, Tổng cục An ninh Liên bang Nga (KGB), đồng nghĩa với giới hạn tồn tại giữa các quân, binh chủng sẽ bị xóa bỏ. Ngoại trừ lực lượng tên lửa chiến lược, tàu ngầm hạt nhân chiến lược và binh chủng vũ trụ do cấp hoạch định chiến lược cao nhất trực tiếp nắm giữ, các lực lượng tác chiến khác sẽ được đưa về các Bộ tư lệnh chiến lược liên hợp để quản lý và chỉ huy. Đồng thời, thể chế chỉ huy 4 cấp "quân khu-tập đoàn quân-sư đoàn-trung đoàn" được tinh giảm còn 3 cấp "Bộ tư lệnh tác chiến liên hợp- Bộ tư lệnh chiến dịch-lữ đoàn (căn cứ)".[21]

Đối với Hải quân Nga, hạm đội đổi thành Bộ tư lệnh chiến dịch hải quân, bên dưới thiết lập căn cứ hải quân cấp lữ đoàn. Không quân, tập đoàn quân phòng không - không quân chuyển đổi thành Bộ tư lệnh chiến dịch phòng không-không quân, bên dưới thành lập căn cứ hàng không cấp lữ đoàn và phân chia chúng về từng Bộ tư lệnh chiến lược.[21] Đối với Lục quân Nga, tập đoàn quân lục quân chuyển đổi thành bộ tư lệnh chiến dịch hợp thành (tất cả có 10 BTL), toàn quân chủng thực hiện biên chế cấp lữ đoàn. Bên cạnh đó ở cấp nhỏ hơn cũng cơ cấu thành các đơn vị tác chiến cấp tiểu đoàn (BTG). Ngoài ra, Lực lượng Tác chiến Đặc biệt (SSO) hình thành, như một phần độc lập của quân đội Nga bắt đầu vào năm 2008 sau khi Thiếu tướng Alexander Lentsov, Phó tư lệnh Lực lượng lính dù Nga (VDV) báo cáo về quá trình cải tổ quy mô lớn của Các Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga (giai đoạn 2008-2020). Ý nghĩa của đợt cải tổ này là tạo ra một cấu trúc thống nhất của lực lượng đặc biệt, trực thuộc Bộ Tổng tham mưu. SSO được thành lập "để chống lại chủ nghĩa khủng bố quốc tế hiệu quả hơn và thực hiện một số nhiệm vụ bên ngoài nước Nga".[22]

Trang bị khí tài

Các cuộc xung đột vũ trang đầu những năm 2000 cho thấy rằng, Lực lượng vũ trang Liên bang Nga đang ngày càng tụt hậu về mặt trang bị, không chỉ so với những đội quân tiên tiến nhất (như Hoa Kỳ), mà thậm chí còn so với đối tác của họ trong không gian hậu Xô viết là Gruzia. Điều này áp dụng cho cả hệ thống chiến đấu và hỗ trợ (chẳng hạn như hệ thống liên lạc, trinh sát và chỉ định mục tiêu). Quân đội Nga vẫn duy trì một phần đáng kể kho vũ khí từ thời Liên Xô với thời hạn sử dụng có khi lên tới hơn 20 năm. Các biện pháp do ban lãnh đạo Nga thông qua đã cho phép đến năm 2014-2015 xây dựng quân đội mới có khả năng chiến đấu theo thời gian thực (trước đó chỉ có quân đội Mỹ mới làm được như vậy). Nga đã tạo ra các kênh liên lạc vệ tinh có băng thông mạnh, các hệ thống trinh sát mặt đất, trên biển, trên không và vũ trụ bắt đầu truyền thông tin ngay lập tức qua các kênh điều khiển chiến đấu, điều này cho phép đưa ra chỉ định mục tiêu cho các loại hệ thống tấn công một cách linh hoạt.[6] Công cuộc hiện đại hóa các đơn vị không quân đã bắt đầu nhanh chóng và đi kèm với việc mua sắm số lượng lớn máy bay trực thăng mới.[23] Hải quân Nga đã quyết định trang bị cho các tàu chiến của mình tên lửa Kalibr (Ca-li-bơ) là loại tên lửa được thiết kế cho các tàu chiến và tàu ngầm tấn công.[24]

Hệ thống pháo binh, xe bọc thép và máy bay chiến đấu hiện đại cuối cùng cũng được trang bị cho quân đội, lực lượng bộ binh bắt đầu tiếp nhận hàng loạt xe tăng chiến đấu T-80 với hệ thống phòng thủ chủ động, xe chiến đấu bộ binh BMP-3 và xe bọc thép chở quân BTR-80, xe bọc thép GAZ-2330 Tigr, hệ thống tên lửa tác chiến Iskander, sau này thêm tổ hợp lựu pháo cỡ 152mm mới có kết cấu 2 nòng với tên gọi Coalition-SV. Đồng thời cũng diễn ra quá trình hiện đại hóa vũ khí từ thời Liên Xô, điều này không chỉ giúp kéo dài thời gian phục vụ của chúng, mà còn nâng cao chất lượng kho vũ khí, bao gồm khả năng chiến đấu vũ trang theo giới gian thực. Việc nghiên cứu chế tạo các hệ thống tác chiến điện tử trên mặt đất và trên không, tên lửa hành trình Calibre phóng trên biển, các tổ hợp tên lửa mang đầu đạn siêu thanh (tên lửa chiến lược Avangard, tên lửa Kinzhal phóng từ máy bay, tên lửa Zircon phóng trên biển). Máy bay chiến đấu đa năng Su-35 và tiêm kích ném bom Su-34 của Nga sánh ngang những dòng phi cơ tương tự tốt nhất thế giới. Quân đội Nga dần dần lấy lại vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực chế tạo các phương tiện bay không người lái.[6] Điện Kremlin cũng chi hàng tỉ USD vào dự án hiện đại hóa New Look dự án bắt đầu năm 2008 nhằm cải tổ lực lượng Nga, trước những nỗ lực này, phần lớn quân đội Nga vẫn còn duy trì thiết bị và tư duy chiến thuật thời Liên Xô.[25]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Cải cách quân đội Nga năm 2008 https://hanoimoi.vn/nga-cai-to-luc-luong-quan-doi-... https://tuyengiao.vn/nga-voi-cuoc-cai-cach-quan-do... https://tienphong.vn/li-giai-quan-doi-nga-dang-lot... https://dantri.com.vn/the-gioi/quan-doi-nga-thu-ng... https://dantri.com.vn/the-gioi/quan-doi-nga-thu-ng... https://tuoitre.vn/linh-nga-o-crimea-khac-han-so-v... https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/quan-doi-nga-... https://www.qdnd.vn/quoc-te/quan-su-the-gioi/dieu-... https://vnexpress.net/su-lot-xac-cua-quan-doi-nga-... https://vnexpress.net/cuoc-chien-5-ngay-cua-nga-o-...